Cán bộ khuyến nông ‘miệng nói tay làm’ trong công tác đào tạo


Công tác đào tạo đóng vai trò lớn nhằm nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông. Với đặc thù gần dân, gần ruộng đồng nên tập huấn hiện trường mang tính cộng đồng cao.

Hệ thống Khuyến nông Việt Nam với 30 năm xây dựng và phát triển đã trở thành lực lượng chính làm công tác phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cải thiện đời sống nông dân.

Từ những ngày đầu mới thành lập, công tác đào tạo huấn luyện của khuyến nông chủ yếu tập trung vào giảng dạy kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đơn lẻ, phổ biến với mục tiêu tăng năng suất, xoá đói giảm nghèo.

Lực lượng khuyến nông các địa phương đang từng ngày đổi mới cách tiếp cận, hợp tác với nông dân. Ảnh: Hồ Thảo.

Lực lượng khuyến nông các địa phương đang từng ngày đổi mới cách tiếp cận, hợp tác với nông dân. Ảnh: Hồ Thảo.

 

Việc xây dựng nội dung, xác định đối tượng đào tạo theo phương pháp tập huấn “cầm tay chỉ việc” đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân, góp phần mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống cho nông dân.

Các khóa đào tạo, tập huấn tập trung ưu tiên đối tượng cây, con chủ lực, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền; sản xuất theo hướng GAHP, VietGAP, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Các nội dung đào tạo chính gồm: Đào tạo phương pháp quản lý, cách triển khai và xây dựng dự án khuyến nông; phương pháp sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, biến đổi khí hậu, kỹ năng mềm về phương pháp tập huấn, kỹ năng truyền thông; bồi dưỡng kỹ năng dạy học, kiến thức về kinh tế xã hội cho cán bộ khuyến nông nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý khuyến nông. 

Về phương pháp tập huấn, công tác đào tạo khuyến nông gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường thực hành (từ 1 – 2 ngày/lớp) trên đồng ruộng, mô hình kết hợp giữa nghe và nhìn.

Phương châmđồng hành với nông dân nơi đầu bờ, dưới tán vườn” mang lại hiệu quả thiết thực giúp nông dân nắm được kỹ thuật canh tác, thông tin thị trường, kết nối sản xuất, lồng ghép giữa nghiệp vụ khuyến nông với kỹ thuật chuyên ngành.

Phương pháp lấy học viên làm trung tâm, phương pháp giảng 2 chiều chiếm 70% trong các lớp tập huấn. Với đặc thù “miệng nói, tay làm”, cán bộ khuyến nông được gần dân, gần ruộng đồng, chuồng trại nên tập huấn hiện trường mang tính cộng đồng cao.

Mỗi chủ đề sử dụng một bộ học liệu gồm tài liệu đào tạo ToT dùng cho giảng viên, tài liệu đào tạo nông dân ToF dùng cho học viên, tranh kỹ thuật poster để sử dụng sau khi kết thúc khóa tập huấn. Nhiều phương pháp đào tạo được kết hợp, trong đó có phương pháp đào tạo thông qua truyền thông, sử dụng đĩa hình kỹ thuật, video clip đăng tải trên trang website khuyennongvn.gov.vn.

Nhờ vậy, chất lượng công tác huấn luyện đào tạo ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng bồi dưỡng năng lực cán bộ khuyến nông, nâng cao trình độ nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.