Giao khoán bảo vệ rừng


Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Phú Thọ đã triển khai chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư đem lại hiệu quả cao.

Hiệu quả ấn tượng

Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Không chỉ tạo sinh kế, việc giao khoán còn khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường thêm lực lượng giúp hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Theo ông Phạm Văn Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Phú Thọ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là 37.164,7ha, tập chung chủ yếu ở 3 huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Đặc biệt, từ sau khi có quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, chỉ còn 3 huyện trên có đối tượng hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thuộc khu vực II, III thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Xuân Sơn là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện mức hỗ trợ theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ 100.000 đồng/ha/năm, cộng đồng vùng đệm được hỗ trợ 40 triệu đồng/cộng đồng/năm.

Giao khoán là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Hưng Giang.

Giao khoán là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Hưng Giang.

Bên cạnh đó, những người nhận khoán bảo vệ rừng ở một số địa bàn xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa; xã Kim Thượng, Xuân Sơn, huyện Tân Sơn; xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các địa bàn còn lại thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo hai mức. Với đối tượng rừng đủ điều kiện giao khoán theo Nghị định 75 (khu vực II, III), thực hiện mức hỗ trợ giao khoán 400.000 đồng/ha/năm. Với đối tượng rừng ngoài khu vực II, III, thực hiện mức hỗ trợ giao khoán 200.000 đồng/ha/năm.

Với diện tích rừng lớn nhất trong tỉnh, huyện Tân Sơn hiện đang giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là 18.397,9ha. Trong đó, có 5.572ha rừng thuộc khu vực II, III; 1.756,9ha rừng thuộc khu vực I. Đặc biệt trên địa bàn huyện có Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nơi đang quản lý diện tích rừng đặc dụng nhiều với hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, mật độ dân cư sống trong rừng đặc dụng cao, diện tích đất canh tác ít, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy tạo áp lực lớn đến rừng và tài nguyên thiên nhiên.

Giúp người dân hiểu, nâng cao trách nhiệm giữ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao vai trò quản lý, giám sát của cộng đồng dân cư thôn để bảo vệ rừng; đồng thời ký 33 hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng (15 cộng đồng, 1 nhóm hộ và 17 hộ gia đình) với tổng diện tích 11.069ha, hỗ trợ 28 cộng đồng thôn bản vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg để người dân có thêm nguồn thu nhập. Từ những khu rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác một số lâm sản phụ như cây dược liệu dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình. 15 cộng đồng và 1 nhóm hộ nhận khoán đã thành lập 16 tổ bảo vệ rừng thôn, bản.

Cùng đó, các tổ bảo vệ rừng đều xây dựng chi tiết kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đội chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn đi kiểm tra rừng. Nhờ đó các vụ xâm hại rừng đã giảm đáng kể trong những năm qua.

Lan tỏa đến cấp xã

Trước khi có Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hạ Hòa cũng có các đối tượng rừng thuộc khu vực I, II. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ diện tích giao khoán của huyện đều thuộc khu vực I. Hiền Lương là một trong những xã điển hình về thực hiện việc giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ. Để thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ gần 500ha rừng, xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích khi tham gia bảo vệ rừng.

Song song với công tác giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh đã kết hợp xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân sống gần rừng. Ảnh: Hưng Giang.

Song song với công tác giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh đã kết hợp xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân sống gần rừng. Ảnh: Hưng Giang.

Sau khi giao khoán diện tích rừng cần bảo vệ cho các khu dân cư, xã hướng dẫn và yêu cầu các khu báo cáo bằng hình ảnh những chuyến đi tuần rừng; hàng tuần Ban chỉ đạo của xã cử các thành viên về các khu để đi kiểm tra, tuần rừng cùng với tổ tuần rừng của khu… Từ khi thực hiện chính sách giao khoán rừng cho người dân đến nay, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã được thực hiện tốt hơn, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ bảo vệ rừng đã giúp người dân giảm được kinh phí đóng góp xây dựng các công trình chung của khu. Hiện đa số đường nội khu đã được bê tông hóa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Đây là động lực rất lớn để người dân tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng như ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng…

Với hiệu quả thiết thực, chính sách giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, trên địa bàn các xã, huyện có diện tích được giao khoán không còn tình trạng chặt phá rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt hơn; các hành vi xâm phạm rừng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Đặc biệt, người dân còn có thêm thu nhập chính đáng từ rừng.

Ông Phạm Văn Long cho biết, Chi cục với vai trò là cơ quan tham mưu cấp tỉnh về lâm nghiệp, hàng năm đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan, tổng hợp xây dựng kế hoạch, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích và có hiệu quả, qua đó, hạn chế được vấn nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho bảo vệ rừng tại cơ sở. Thông qua thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng người dân làm nương, khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng phòng hộ giảm đáng kể.

Song song với công tác giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh đã kết hợp xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân sống gần rừng như chuyển hóa rừng cây gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, nhằm từng bước nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, giúp người dân có nguồn thu từ gỗ lớn sau này đồng thời phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ nhằm tạo điều kiện sinh kế, giúp người dân có nguồn thu nhập.

Chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng đã mang lại những kết quả khả quan. Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng đã trở thành “tai mắt” trong quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương. Nhờ chính sách này, thời gian qua, người dân đã phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục lồng ghép các nguồn kinh phí để đẩy mạnh công tác khoán bảo vệ rừng cho người dân và cộng đồng. Từ đó, giúp rừng ở địa phương ngày càng được gìn giữ và phát triển xanh tốt.