Lách luật mua bán động vật hoang dã tại chợ chim cảnh lớn nhất miền Tây


Sử dụng mạng xã hội, nhiều tiểu thương tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa tuồn động vật hoang dã ra bên ngoài, lách luật, thoát khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Gọi là chợ nông sản Thạnh Hóa nhưng hoạt động mua bán nông sản tại đây rất hạn chế, vắng khách, đa phần du khách ghé vào để tìm mua chim cảnh từ các kiot lân cận. Ảnh: KA.

Gọi là chợ nông sản Thạnh Hóa nhưng hoạt động mua bán nông sản tại đây rất hạn chế, vắng khách, đa phần du khách ghé vào để tìm mua chim cảnh từ các kiot lân cận. Ảnh: KA.

Nằm trên tuyến quốc lộ 62, nối TP Hồ Chí Minh với các huyện biên giới của tỉnh Long An và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, bảng hiệu “Trạm dừng chân chợ nông sản Thạnh Hóa” tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An sừng sững mọc lên.

Điều ngạc nhiên, nơi được gọi là chợ nông sản này chỉ thưa thớt vài cửa hàng chuyên bán các loại khô, chao và một số trái cây, rau củ quả, thực phẩm khác… Trong khi đó, cạnh bên là hơn 25 kiot được treo bảng hiệu kinh doanh chim cảnh.

Không còn khung cảnh buôn bán náo nhiệt như 2 – 3 năm trước, chợ chim cảnh Thạnh Hóa vừa được một doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới dãy kiot và cho bà con thuê lại khoảng 1 tuần trở lại đây, với giá thuê từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Ngay trước cổng chợ, một bảng điện tử được dựng lên với loạt khẩu hiệu như: “Hành vi săn bắt, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã bị xử phạt vi phạm từ 5 triệu đến 360 triệu đồng”; “Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép chim và các loài động vật hoang dã không có nguồn gốc có thể bị phạt tù đến 15 năm”.

Bảng khẩu hiệu điện tử cấm mua bán động vật hoang dã trái phép được lắp đặt ngay cổng chợ chim cảnh Thạnh Hóa, tuy nhiên rất khó để du khách, tiểu thương quan sát. Ảnh: KA.

Bảng khẩu hiệu điện tử cấm mua bán động vật hoang dã trái phép được lắp đặt ngay cổng chợ chim cảnh Thạnh Hóa, tuy nhiên rất khó để du khách, tiểu thương quan sát. Ảnh: KA.

Đa phần các sản phẩm được bày bán công khai tại đây chủ yếu là chim cò thông thường dùng để chế biến làm thức ăn hoặc làm cảnh. Ngoài ra còn có chuột đồng, chim trĩ, vịt trời, chích cồ… và một số loài bò sát.

Tuy nhiên, theo lời một tiểu thương có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh tại khu vực chợ chim cảnh Thạnh Hóa, nếu khách có nhu cầu tìm mua một số loài động vật hoang dã thuộc diện quý hiếm, chỉ cần nói tên, chợ sẽ có nguồn lấy hàng để cung cấp sau vài ngày đặt. Thậm chí, nếu khách ở xa, động vật sẽ được đóng vào lồng và chuyển đến tận nơi theo yêu cầu.

10 giờ sáng, khu chợ khá yên ắng, vắng khách, nhưng các tiểu thương luôn tất bật. Hộ ở kiot này vừa làm thịt động vật, thì tiểu thương bên cạnh đóng hàng vào những kệ nhựa rồi chở bằng xe máy đi tiêu thụ. Thỉnh thoảng vài chiếc xe khách ghé vào chợ, chuyển xuống một bao động vật rừng đã được buộc rất kín đáo.

Hoạt động mua bán tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa khá vắng nhưng khách hàng muốn loại động vật nào, chỉ cần gợi ý, tiểu thương sẽ tìm kiếm nguồn hàng để cung cấp. Ảnh: KA.

Hoạt động mua bán tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa khá vắng nhưng khách hàng muốn loại động vật nào, chỉ cần gợi ý, tiểu thương sẽ tìm kiếm nguồn hàng để cung cấp. Ảnh: KA.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi ghé vào cửa hàng chim cảnh T.C. Ghi nhận thực tế, ngoài các loại gia cầm thông thường như vịt, ngỗng, chim trĩ, giẻ cùi … Khi chúng tôi tìm hỏi mua một con chim công, vị chủ cửa hàng này vô tư cho biết hàng không trưng bày vì “sợ” bị ngành chức năng bắt phạt do không có giấy tờ hợp pháp. Khách có nhu cầu, rất đơn giản, chỉ cần để lại thông tin số điện thoại hoặc liên hệ đặt hàng qua mạng xã hội Zalo. Hình ảnh và giá cả sẽ được gửi trực tiếp để khách lựa chọn, với mức giá trung bình từ 1,5 – 3 triệu đồng/con (tùy kích cỡ). Chốt giá thành công và đặt hàng chỉ trong vòng 1 – 2 ngày sẽ có hàng giao.

Tiểu thương sử dụng mạng xã hội để thực hiện trao đổi mua bán các loài động vật hoang dã, tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Ảnh: Kim Anh.

Tiểu thương sử dụng mạng xã hội để thực hiện trao đổi mua bán các loài động vật hoang dã, tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Ảnh: Kim Anh.

Những loài động vật hoang dã đa phần lấy từ những “tay buôn” trong tỉnh hoặc hộ nuôi ở một số tỉnh miền Tây chuyển lên. Tiểu thương ở đây cũng rất e dè, cẩn thận khi khách hỏi về nguồn gốc hàng.

Dạo một vòng sang một vài cửa hàng lân cận để tìm mua chim công, chúng tôi đều nhận được câu trả lời tương tự.

“Hàng không có sẵn, em kết bạn Zalo, chị gửi ảnh và báo giá”

“Chim công có nhiều loại tùy theo độ tuổi, từ 500gram trở lại. Chị lấy hàng ở nhiều nơi, lân cận tỉnh Long An cũng có hoặc ở miền Tây. Chim công hồi xưa có hàng sẵn, bây giờ mặt hàng này muốn buôn bán phải có giấy tờ tùm lum, nên không lấy hàng về. Hàng lấy về theo từng lô, có dịp đi ngang điện trước chị lấy về”.

“Những con nhà nước cấm mình không mang ra bày bán, bên Kiểm lâm ngày nào cũng đi kiểm tra. Ai muốn mua vô hỏi, bán cả ngày lẫn đêm, khách quen chỉ cần gọi trước khi nào cũng có hàng”.

Công có tên khoa học là Pavo muticus, thuộc Bộ Gà. Đây là một trong những loài động vật quý hiếm được quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Thời gian qua, loài động vật này được nhiều người dân miền Tây đăng ký gây nuôi với số lượng lớn phục vụ cho mục đích thương mại.

Chim công được rao bán bí mật, với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu của khách tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa. Ảnh: KA.

Chim công được rao bán bí mật, với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu của khách tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa. Ảnh: KA.

Tại chợ chim cảnh được xem là lớn nhất miền Tây này, công được xem là mặt hàng cấm mua bán, do đó việc trao đổi đều diễn ra lén lút, việc kiểm dịch động vật cũng không được thực hiện.

Mặc dù lực lượng kiểm lâm địa phương thường xuyên kiểm tra, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh động vật hoang dã tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa. Thế nhưng, hoạt động trao đổi mua bán trái phép, lách luật bằng nhiều hình thức, nhất là lợi dụng mạng xã hội khiến cho công tác kiểm soát trở nên khó khăn hơn.