Làng rau những ngày giáp Tết huyện Lệ Thủy


Những cánh đồng rau xanh mơn mởn ở huyện Lệ Thủy tốt tươi hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người trồng…

Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ rau màu trên thị trường tăng cao. Đây cũng là thời điểm mà bà con nông dân các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy… (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang tất bật chăm sóc, thu hoạch các loại rau màu để cung ứng phục vụ thị trường Tết.

Theo ông ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy, toàn huyện có khoảng 1.200 ha rau màu tập trung tại các xã vùng cát như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy…

Vườn su hào của gia đình ông Hoàng Văn Trăm thu hoạch bán vào dịp Tết. Ảnh: T. Phùng.

Vườn su hào của gia đình ông Hoàng Văn Trăm thu hoạch bán vào dịp Tết. Ảnh: T. Phùng.

“Đây là nguồn cung ứng rau chính cho thị trường dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình. Năm nay, nguồn rau tương đối dồi dào và sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân”- ông Tân nói.

Vụ rau Tết năm nay, gia đình ông Hoàng Văn Trăm (thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy), gieo trồng 2 sào su hào và hơn 1 sào ớt. Hiện, ruộng su hào đã thu hoạch để bán cho thương lái.

Sáng kiến bắc giàn cho đậu cô ve leo sẽ cho sai trái hơn của bà con vùng rau Hồng Thủy. Ảnh: T. Phùng.

Sáng kiến bắc giàn cho đậu cô ve leo sẽ cho sai trái hơn của bà con vùng rau Hồng Thủy. Ảnh: T. Phùng.

Nhờ có kinh nghiệm trồng rau màu từ nhiều năm nên ông Trăm đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Gia đình ông đã được chọn làm vườn mẫu cấp huyện với phương pháp thâm canh hướng hữu cơ và chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoại nên  ruộng rau màu của gia đình đều xanh tốt, đạt sản lượng cao.

Đầu vụ su hào, ông Trăm thu hoạch và bán giá 12 nghìn đồng/kg. “Như vậy, tính ra mỗi củ su hào chạy được 6 nghìn đồng. Vụ rau Tết, gia đình cũng có thu nhập khoảng 60 triệu đồng”- ông Trăm vui vẻ cho hay.

Ruộng su hào khi sắp được thu hoạch thì gia đình trồng xen ớt cay. Khi thu hoạch su hào bán tết cũng là lúc cây ớt đẻ nhánh, chia cành và lên xanh. “Sau tết là chúng tôi thu hoạch ớt. Năm ngoái mỗi kg ớt tươi có giá 100 ngàn đồng đó”- ông Trăm bộc bạch thêm.

Sau khi thu hoạch su hào là bà con đã có vụ ớt cay nối tiếp. Ảnh: T. Phùng.

Sau khi thu hoạch su hào là bà con đã có vụ ớt cay nối tiếp. Ảnh: T. Phùng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga có khoảng 3 sào ruộng trồng rau. Trên diện tích này, bà chia làm nhiều mảnh để canh tác nhiều loại rau màu khác nhau để ngày nào cũng có thu nhập từ bán rau. Khi những luống hành củ nhổ bán thì mấy luống rau ngò mùi cũng sắp cho thu hoạch.

Ngoài ra còn vùng trồng đậu cove phục vụ tết. Bà Nga đang hái đậu cove cho phiên chợ ngày mai. Bà dừng tay cho hay: “Vì gia đình chỉ có hai ông bà làm nên chia ruộng thành nhiều loại cây trồng để phù hợp sức lao động và tiêu thụ. Nếu tính thu nhập cả năm thì cũng tích lũy được hơn trăm triệu đồng. Riêng vụ Tết, gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng nên cũng thoải mái lo Tết và dành dụm”.

Vườn rau màu nhiều loại của gia đình bà Nguyễn Thị Nga cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T. Phùng.

Vườn rau màu nhiều loại của gia đình bà Nguyễn Thị Nga cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T. Phùng.

Xã Hồng Thủy là một trong những vựa rau lớn của huyện Lệ Thủy. Hiện toàn xã có trên 70% hộ dân trồng rau trên diện tích hơn 352 ha, chủ yếu là trồng su hào, mướp đắng, dưa chuột, rau mùi, ớt…

Từ trồng rau màu các loại, đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định. Thời gian tới, chính quyền địa phương chỉ đạo người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, trong đó chú trọng phát triển rau theo hướng hữu cơ, rau sạch. Hiện, toàn xã có 16 vườn mẫu được công nhận từ cấp huyện, tỉnh.

Theo ông Nguyễn Ánh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, vụ rau tết, bà con còn nhập bán cho thương lái từ các tỉnh đến mua chứ không chỉ trong tỉnh. “Năm nay, giá rau màu cũng khá ổn và có nhích nhẹ vào thời điểm sát Tết. Từ vụ rau tết, thu nhập bình quân của bà con đạt khoảng 30-40 triệu đồng, đủ trang trải dịp Tết và tái sản xuất vụ sau tết”- ông Ngọc cho hay.