Nông nghiệp Ninh Thuận thắng lợi toàn diện


Ninh Thuận linh hoạt trong công tác điều hành để phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với đặc thù, dư địa từng lĩnh vực, đạt thắng lợi toàn diện trong năm qua.

Tăng trưởng cao nhất các tỉnh miền Trung

Ngày 28/12, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị tổng kế ngành nông nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận dự và chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNt Ninh Thuận cho biết, năm 2023, Ninh Thuận thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ phục vụ xây dựng nông thôn mới thay đổi nhanh nên Ninh Thuận không có thời gian chuẩn bị; hướng dẫn của Bộ NN-PTNT thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ; không được bố trí vốn trồng rừng. Hạ tầng phục vụ sản xuất ở các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đầu tư.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư chưa được hanh thông do quy hoạch chậm phê duyệt. Tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ nông sản thu hẹp, sức mua, đơn hàng giảm mạnh…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra giống nho mới có giá trị kinh tế cao. Ảnh: MP.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra giống nho mới có giá trị kinh tế cao. Ảnh: MP.

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ bám sát kịch bản tăng trưởng, linh hoạt trong công tác điều hành để phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, dư địa của từng lĩnh vực nên ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong năm 2023 đã đạt được những kết quả nổi bật.

Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã chủ động trong khâu tiêu thụ nông sản, làm tăng lợi nhuận, tăng thu nhập 5 triệu đồng/ha so với năm 2022, góp phần tăng giá trị gia tăng và giá trị sản xuất của ngành. Đáng ghi nhận, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã giải quyết được tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, sản xuất thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, trong điều kiện không được bố trí vốn trồng rừng, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã nỗ lực tìm kiếm, tranh thủ các nguồn vốn trong năm để trồng được 272ha rừng; thực hiện chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,25%. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.

“Giá trị sản xuất tăng 4,58%, đứng đầu 13 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, được nhận cờ thi đua năm 2023; tăng 4,57% giá trị gia tăng so với 2022, đóng góp 28,5% GRDP của tỉnh Ninh Thuận…, ngành nông nghiệp liên tục nhiều năm liền được đánh giá là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng GRDP của tỉnh đứng vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MP.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MP.

Cũng theo ông Cương, trong năm 2023, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp được ngành nông nghiệp Ninh Thuận cơ cấu lại theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điểm sáng của ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong năm 2023 là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Thuận đạt 565ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 938 triệu đồng/ha/năm, riêng dưa lưới và nho công nghệ cao đạt hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Trên địa bàn Ninh Thuận hiện có 3 vùng sản xuất tập trung đáp ứng các điều kiện, tiêu chí là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh công nhận. Trong năm 2023, tỉnh này có thêm 1 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, tăng số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn lên 4 doanh nghiệp; thu hút 6 doanh nghiệp ngoài tỉnh có quy mô lớn làm hạt nhân thực hiện 38 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận thăm mô hình mới. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận thăm mô hình mới. Ảnh: V.Đ.T.

“Đến nay, Ninh Thuận đã có 3 sản phẩm nông nghiệp đặc thù xuất khẩu là tôm sú giống bố mẹ, thạch nha đam và măng tây xanh. Sản lượng tôm giống của Ninh Thuận đạt 41 tỷ con/năm. Về sản xuất nông nghiệp, Ninh Thuận phối hợp với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới liên kết các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Đặng Kim Cương cho biết thêm.

Nhiều giải pháp phát triển bền vững

Từ những kết quả đạt được, trong năm 2024, ngành nông nghiệp Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lên 4 – 5%. Để đạt mục tiêu trên, trong năm mới, ngành nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tổ chức triển khai đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030, đặc biệt là triển khai chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, phát triển nuôi biển công nghệ cao vùng nước sâu; điều chỉnh, bổ sung và triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với đề án phát triển sản xuất vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để mở rộng vùng trồng tập trung, triển khai chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dựa trên nền tảng sẵn có, ngành nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục điều tra, rà soát diện tích các loại cây ăn quả đặc thù, nhất là cây nho và táo để mở rộng diện tích, lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nho, táo để xuất khẩu. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn đặc thù có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nông sản.

Măng tây xanh, sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân Ninh Thuận. Ảnh: V.Đ.T.

Măng tây xanh, sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân Ninh Thuận. Ảnh: V.Đ.T.

Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị các đối tượng bò, dê, cừu gắn với cơ sở giết mổ tập trung; hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi tại các vùng cấm chăn nuôi đến các vùng chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp, bán công nghiệp; nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong năm 2024, Ninh Thuận sẽ triển khai quản lý rừng thông minh; tranh thủ các nguồn vốn để trồng rừng, tiếp tục chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, rà soát cập nhật các diện tích rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng, phục hồi và quản lý rừng bền vững gắn với các mô hình sinh kế bền vững dưới tán rừng.

Hỗ trợ các địa phương rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch 2024 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP năm 2024; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023. Theo ông Nam, năm 2023, thời tiết, khí hậu ôn hòa, không xảy ra lũ lụt, nước tưới đảm bảo… giúp Ninh Thuận phát huy được lợi thế trong nông nghiệp. Thêm vào đó, hàm lượng khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chế biến nhiều hơn nên tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) trồng nha đam cho lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) trồng nha đam cho lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.

“Đặc biệt trong năm qua, cơ cấu sản xuất của Ninh Thuận thay đổi theo chiều hướng doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến. Những thành tố cơ bản nói trên đã đóng góp vào thành công cho ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong năm qua”, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Ninh Thuận chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Nam, ngành nông nghiệp Ninh Thuận vẫn còn một số tồn tại, đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, các sản phẩm chưa đa dạng, nông nghiệp đã thích ứng nhưng chưa thật sự bền vững…

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh phải tăng thêm năng lực cạnh tranh, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù của miền đất nắng gió như nho, táo, tỏi, dê, cừu… Đồng thời cần chuyển đổi, xây dựng vùng chăn nuôi, trồng trọt đặc thù bởi đây là lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Bên cạnh đó, cây dược liệu cũng là sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận, nhất là cây sa nhân tím cần phải được nhân rộng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cần phải tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, chuyên sâu từng lĩnh vực cụ thể để cơ quan quản lý lắng nghe những khó khăn, bất cập của người dân, doanh nghiệp phản ánh, từ đó có những chính sách kịp thời tháo gỡ nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.