Tỉnh Yên Bái xây dựng rừng cây giống bản địa chất lượng cao


YÊN BÁI Phát triển cây bản địa, lựa chọn cây trội để xây dựng rừng giống là giải pháp nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp, phát huy tính đa dạng sinh học của rừng.

Yên Bái là một trong những địa phương trồng rừng tập trung lớn, hàng năm trồng mới, trồng thay thế từ 15.000 – 16.000ha, trong đó phần lớn là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ðể đảm bảo chất lượng những cánh rừng, tỉnh Yên Bái đã và đang tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp.

Xây dựng rừng giống cây lâm nghiệp bản địa có năng suất, chất lượng cao để phát huy tính đa dụng của rừng là mục tiêu của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Xây dựng rừng giống cây lâm nghiệp bản địa có năng suất, chất lượng cao để phát huy tính đa dụng của rừng là mục tiêu của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Lựa chọn cây trội lấy hạt, ươm giống

Đến tham quan khu vực rừng giống của Trạm Thực nghiệm lâm sinh Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (thuộc Trung tâm Khoa học lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ), trong rừng, những cây sồi phảng gần 20 năm tuổi cao vút, tán lá rộng, nhiều cây có kích thước trội hơn so với cây cùng loại xung quanh được đánh số xác định là cây trội để thu hoạch hạt, ươm giống phục vụ trồng rừng sau này.

Trong khu rừng, ngoài sồi phảng, cây re gừng cũng được đơn vị trồng tập trung để làm cây bố mẹ. Được biết, re gừng là một trong những loài cây trồng rừng chính ở nước ta trong những năm gần đây, nhiều cây có chiều cao lên tới 30m. Loại cây này được trồng để lấy gỗ hoặc trồng rừng phòng hộ. Tại đây, những cây re gừng đường kính lớn, tán cân đối, sinh trưởng và phát triển mạnh được lựa chọn làm cây trội, công nhận nguồn lấy hạt để sản xuất giống.

Theo ông Lê Viết Thọ – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khoa học lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ, những cây sồi phảng, re gừng trội được chọn phải vượt trội 25% về đường kính và 10% về chiều cao so với các cây xung quanh. Những cây này đã được đánh số để thu hạt giống, mỗi loài chọn tối thiểu từ 50 cây để xây dựng thành rừng giống. Qua đó, sẽ bảo vệ được nguồn gen tốt, tạo ra cây giống đảm bảo đồng đều về sinh trưởng, cải thiện và nâng cao năng suất rừng trồng.

Những cây trội về đường kính, chiều cao được đánh số để lựa chọn làm cây giống bố mẹ. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cây trội về đường kính, chiều cao được đánh số để lựa chọn làm cây giống bố mẹ. Ảnh: Thanh Tiến.

Khu vực rừng do Trung tâm Trung tâm Khoa học lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ quản lý rộng gần 340ha, đang bảo tồn nhiều giống cây lâm nghiệp quý, có giá trị để lấy hạt nhân giống trồng rừng như sồi phảng, lát, phay sừng, xoan đào, re gừng… Do vậy, khu vực này đã được các cán bộ Trạm Thực nghiệm lâm sinh Lương Thịnh bảo vệ nghiêm ngặt, không cho người dân vào rừng để tránh những tác động xấu đến rừng giống.

Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, Trung tâm đã trồng nhiều cây rừng bản địa phục hồi trên nương rẫy. Đến nay đã đủ điều kiện chọn lựa những cây trội để thu hạt ươm cây giống, từ đó sẽ có nguồn giống tốt phục vụ trồng rừng đảm bảo tính đa dạng sinh học và phát huy tính đa dụng của rừng.

Chọn nguồn giống từ đơn vị uy tín, xuất xứ rõ ràng

Hàng trăm ha keo khoảng 3 năm tuổi được trồng bằng giống keo nuôi cấy mô của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng tại xã Việt Cường (huyện Trấn Yên) đang phát triển tốt. Giống keo nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính thân cây và chiều cao gấp 1,5 lần so với cây keo nội có cùng thời gian trồng. Ngoài ra, giống keo lai còn có khả năng chống chịu gió bão nhờ ít cành nhánh, cây có rễ cọc chắc chắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Ông Đoàn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng cho biết, Công ty đã hợp tác, liên kết với nhiều công ty giống cây trồng lâm nghiệp lớn ở khu vực phía Bắc như Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm Giống cây trồng An Hòa (Tuyên Quang) cung ứng dòng giống đảm bảo chất lượng để đưa vào trồng rừng như giống keo BV10, BV16 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; dòng giống AH1, AH7 của Trung tâm Giống cây trồng An Hòa…

Người trồng rừng cần lựa chọn cây giống từ đơn vị có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Thanh Tiến.

Người trồng rừng cần lựa chọn cây giống từ đơn vị có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, Công ty đang khai thác, bảo vệ và phát triển hơn 2.100ha rừng trồng sản xuất, trong đó trên 1.200ha trồng bằng các giống cây mới có chất lượng cao như bạch đàn mô, keo mô, keo lai giâm hom… Nguồn cây giống được kiểm định chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được nhập từ các đơn vị sản xuất cây lâm nghiệp có uy tín để cung cấp cho người dân mỗi khi đến vụ trồng rừng mới.

Xây dựng rừng cây giống bản địa

Là tỉnh có lợi thế về lâm nghiệp, Yên Bái có gần 433.600ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 245.580ha, rừng trồng trên 188.000ha, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 15.000ha rừng. Xác định nguồn cây giống là yếu tố đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng rừng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng lâm nghiệp, thay thế những cây có hiệu quả kinh tế thấp bằng những cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận. Nguồn giống này là cơ sở để Yên Bái mở rộng và phát triển diện tích rừng gỗ lớn, rừng cấp chứng chỉ FSC.

Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết thêm, Yên Bái rất quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, xem đây là một trong những khâu quan trọng góp phần phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh.

Tỉnh Yên Bái sẽ siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái sẽ siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp gồm 9 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và trên 1.000 hộ gia đình. Do tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thời gian qua còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác nên thời gian tới, ngoài tìm kiếm phương pháp nâng cao chất lượng cây giống, các địa phương, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, nhất là quản lý chất lượng giống, đảm bảo truy xuất nguồn gốc giống trước khi đưa vào trồng rừng.

Yên Bái đang tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa có năng suất, chất lượng cao, cây đa mục tiêu… phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất các giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn.