Tỷ lệ nhiễm dịch bệnh EHP tại các trại tôm giống rất cao


ĐBSCL Đánh giá của nhiều doanh nghiệp ngành tôm cho thấy, bệnh EHP phát sinh chủ yếu từ các trại tôm giống, trong khi đó công tác kiểm nghiệm giống lại chưa phù hợp.

Dịch bệnh trên tôm nuôi là nỗi lo lớn của nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi tôm vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Thống kê của Cục Thú y cho thấy, đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 20.000ha tại 20 tỉnh nuôi tôm, giảm 5% so với cùng kỳ 2022.

Các bệnh nguy hiểm phổ biến là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Đặc biệt, bệnh vi bào tử trùng (EHP) đã xuất hiện, gây thiệt hại rải rác ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, dự báo thời gian tới bệnh EHP có xu hướng lây lan và gây nguy hiểm.

Mẫu xét nghiệm tôm nuôi bị nhiễm bệnh EHP. Ảnh: Kim Anh.

Mẫu xét nghiệm tôm nuôi bị nhiễm bệnh EHP. Ảnh: Kim Anh.

Tại tỉnh Sóc Trăng, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng), tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi hiện đã được khống chế ở mức dưới 4,4%, giảm 0,9% so với năm trước. Diện tích thiệt hại xảy ra rải rác ở các địa phương, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố môi trường, bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy, phân trắng và EHP.

Bên cạnh đó, theo kết quả phân tích mẫu thủy sản thiệt hại của ngành chuyên môn, tỷ lệ bệnh đốm trắng, gan tụy và EHP cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tôm thiệt hại tập trung từ tháng 6 – 8, cao điểm là tháng 7, do thời tiết có mưa lớn, khiến độ mặn giảm đột ngột, xuất hiện sự phân tầng nước, khí độc tăng nhanh do phân hủy tảo, mùn bã hữu cơ, môi trường thiếu oxy cục bộ, khiến tôm bị sốc.

Tại Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi, do Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức vào ngày 27/11 tại tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhận định, vụ tôm năm 2023, gặp khá nhiều khó khăn, tiến độ thả tôm giống chậm hơn 9,1% so với năm 2022.

Xuất phát từ lý do khách quan độ mặn trên các tuyến sông đến trễ, cộng với giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Trong khi đó, chi phí vật tư đầu vào như: Thức ăn, giống, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường lại tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của người nuôi.

Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi, do Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức. Ảnh: Kim Anh.

Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi, do Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức. Ảnh: Kim Anh.

Ông Hoàng Thanh Vũ, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, bệnh EHP âm thầm lây lan nghiêm trọng, hiện tỷ lệ nhiễm bệnh EHP tại các trại giống ở Việt Nam rất cao.

Với quy trình nuôi tôm tại các trang trại hiện nay, ông Vũ khẳng định đã giải quyết cơ bản vấn đề phát sinh bệnh EHP trong trại nuôi. Đặt trường hợp tôm bị nhiễm bệnh EHP từ nguồn nước, khả năng chống chọi lại bệnh của tôm cũng rất cao.

Do đó, tôm giống nuôi 20 ngày kiểm tra lại bị nhiễm EHP khả năng nằm ở trại giống rất cao. Phương pháp kiểm tra, xét nghiệm bệnh EHP trên tôm hiện vẫn chưa phù hợp, số lượng tôm giống lấy mẫu kiểm tra quá ít so với quy mô trại nuôi.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng khẳng định bệnh EHP xuất phát chủ yếu từ trại giống. Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng giống lại “rất tệ”, nhiều giống dịch bệnh trên thị trường, với doanh nghiệp đủ năng lực có thể kiểm soát được, nhưng bà con nông dân sẽ khó kiểm soát.

Các bệnh nguy hiểm phổ biến trên tôm hiện nay là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng (EHP). Ảnh: Kim Anh.

Các bệnh nguy hiểm phổ biến trên tôm hiện nay là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng (EHP). Ảnh: Kim Anh.

Do đó, bên cạnh lựa chọn những nhà cung cấp con giống chất lượng, doanh nghiệp này đã nghiên cứu thời điểm thả giống khi hết mùa mưa (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Đồng thời đưa ra một giải pháp tổng thể xử lý, dự trữ nguồn nước sạch, chú trọng vệ sinh, phòng bệnh bằng các giải pháp an toàn sinh học.

“Con giống rất quan trọng, nếu làm tốt các công đoạn khác nhưng con giống nhiễm bệnh là thua, không có cách nào nuôi tôm về đích được, thiệt hại rất lớn. Rất mong cơ quan nhà nước có biện pháp kiểm soát con giống sạch bệnh, bởi hiện nay công tác kiểm soát chưa đủ mạnh”, ông Phục nhấn mạnh.

Để giảm thiểu rủi ro bệnh EHP, đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta cũng khuyến cáo bà con nông dân chỉ tổ chức nuôi trong phạm vi khả năng tài chính cũng như điều kiện kỹ thuật cho phép, chú trọng ứng dụng các giải pháp an toàn sinh học cả khu vực nuôi.

Ông Hoàng Thanh Vũ cũng kiến nghị Cục Thủy sản quan tâm kiểm soát chất lượng con giống. Đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các cơ sở cung ứng tôm giống.

Cả nước hiện có trên 2.000 cơ sở, sản xuất và cung ứng 130 – 150 tỷ con giống/năm. Con giống vẫn chưa chủ động kể cả chất lượng và số lượng, tôm sú vẫn phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên, tôm thẻ chân trắng vẫn phải nhập.

Đến thời điểm này, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng đạt trên 52.300 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 200.800 tấn. Dự kiến đến cuối năm, địa phương này đảm bảo đạt mục tiêu về kế hoạch diện tích và sản lượng tôm nước lợ.