Vườn quốc gia Yok Đôn tăng cường gỡ bẫy thú dịp đầu năm


Đắk Lắk Trong 20 ngày đầu tháng 1/2024, cán bộ kiểm lâm vườn phối hợp người dân và các tổ chức trên địa bàn tháo gỡ 143 chiếc bẫy thú các loại tại khu vực quản lý.

Chương trình hoạt động trải nghiệm tuần tra, bảo vệ rừng do Vườn quốc gia Yok Đôn phối hợp tổ chức.

Chương trình hoạt động trải nghiệm tuần tra, bảo vệ rừng do Vườn quốc gia Yok Đôn phối hợp tổ chức.

So với tháng 12/2023, số bẫy thú các loại được lực lượng kiểm lâm tăng 29 chiếc. Đây là kết quả từ 1.841 lượt tuần tra và 55 lượt phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức trên địa bàn.

Theo Vườn quốc gia Yok Đôn, công tác bảo tồn nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi nhận thức của người dân ở một số nơi còn hạn chế, chưa đồng đều.

Ngoài ra, thẩm quyền kiểm tra, xử lý các điểm mua bán bẫy đối với lực lượng kiểm lâm thuộc vườn chưa rõ ràng; thẩm quyền xử lý của lực lượng còn thấp so với nhiệm vụ và yêu cầu được giao.

Xác định, giai đoạn hiện tại đã giáp Tết Nguyên đán, diễn biến về việc đặt bẫy thú còn phức tạp. Do đó, Vườn quốc gia Yok Đôn đã sớm phân công lịch trực Tết cụ thể cho từng thành viên trong từng đơn vị, đặc biệt là với lực lượng kiểm lâm.

Sang tháng 2/2024, vườn cam kết tăng cường đi cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đôn đốc các trạm, đội thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra quản lý bảo vệ rừng, kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác lâm sản ngoài gỗ của người dân. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các trạm, đội Kiểm lâm phối hợp với địa phương ký kết quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét ngăn chặn các đối tượng săn bắt, chặt phá rừng.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tích cực tháo gỡ bẫy thú trên địa bàn quản lý.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tích cực tháo gỡ bẫy thú trên địa bàn quản lý.

Với tinh thần “vui xuân không quên nhiệm vụ”, lực lượng kiểm lâm vườn đã lên nhiều phương án mật phục bằng nhiều hình thức, phán đoán các khu vực dễ tác động để khoanh vùng đối tượng và có phương án tuần tra phù hợp, nhất là những khu vực còn nhiều gỗ nhóm 2, 2A và các tuyến đường dễ bị tác động vào rừng như tỉnh lộ 1, QL14C, QL29.

Việc tuần tra, cắt rừng nhằm phát hiện, tháo gỡ bẫy thú cũng được nâng cao thêm một bước. Trong đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn giao các đơn vị hàng tháng phải có báo cáo số liệu về hạt Kiểm lâm để tổng hợp, đồng thời thu gom, tổng hợp bẫy để bàn giao về hạt.

Công tác giáo dục, đào tạo, tập huấn cũng được chú trọng, thông qua các chương trình tuyên truyền giáo dục môi trường tại các trường học trong vùng đệm của vườn. Cán bộ, công nhân viên Vườn quốc gia Yok Đôn cam kết phối hợp thực hiện hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, giáo dục môi trường cho học sinh trường Dân tộc nội trú Tây Nguyên.

Để công tác bảo vệ rừng, trong đó có phát hiện, gỡ bẫy thú hiệu quả hơn nữa, Vườn quốc gia Yok Đôn đề xuất chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn nữa các lớp, buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Cùng với đó, có cơ chế thành lâp những tổ liên ngành đi kiểm tra các tụ điểm mua bán các công cụ, bẫy bắt, độ chế,…. Có cơ chế khen thưởng đặc thù, bí mật đối với người dân tố giác tội phạm.