Đảm bảo thực phẩm cho cộng đồng tại những thành phố đông dân


Ngoài triển khai tại Hà Nội, Dự án EcoFoodSystems còn được thực hiện tại thành phố Cali(Colombia) quy mô hơn 2 triệu người và Addis Ababa (Ethiopia) khoảng 4 triệu dân.

GS Charles Spillane, Giám đốc Viện Ryan, Trưởng Dự án EcoFoodSystems.

GS Charles Spillane, Giám đốc Viện Ryan, Trưởng Dự án EcoFoodSystems.

Tăng cường năng lực đáp ứng tại chỗ

Căn cứ Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025, khu vực nông thôn của Thủ đô gồm 18 huyện, thị xã hiện còn khoảng 2.000 hộ nghèo, chiếm gần 0,2% tổng số hộ dân. Trong số này, huyện Ba Vì và Phúc Thọ là hai địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của thành phố.

Ở chiều ngược lại, 5 huyện ngoại thành gồm Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng không còn hộ nghèo.

Dù vậy, tại khu vực ngoại thành, số hộ thuộc diện cận nghèo vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Thống kê ở khu vực nông thôn, Hà Nội hiện có hơn 20.000 hộ dân thuộc diện cận nghèo, chiếm gần 2% tổng số hộ dân của 18 huyện, thị xã. Huyện có tỷ lệ hộ cận nghèo lớn nhất là huyện Thạch Thất, với gần 2.000 hộ.

Tại 12 quận nội thành, đến nay vẫn còn quận Hoàng Mai có hộ nghèo. Đặc biệt, toàn thành phố có 3 quận không có hộ cận nghèo gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. 9 quận còn lại đều còn các hộ dân thuộc diện cận nghèo, trong đó, Nam Từ Liêm có nhiều hộ cận nghèo nhất với hơn 200 hộ.

Cũng theo Quyết định số 13, Hà Nội quy định rõ 2 tiêu chí đo lường cận nghèo và nghèo đa chiều, đó là tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt dịch vụ cơ bản.

Cụ thể, nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn được xác định là có thu nhập bình quân dưới 2 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 3 dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…) trở lên. Dưới 3 dịch vụ, được tính là hộ cận nghèo. Tại khu vực thành thị, ngưỡng thu nhập được xác định là 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là có thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Với thành thị là thu nhập từ 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Đây là căn cứ để cơ quan, đơn vị chức năng hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2025, cũng là cơ sở để các bên liên quan triển khai Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái (EcoFoodSystems) trên địa bàn thành phố.

Nhiều người dân tại Hà Nội chưa có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Nhiều người dân tại Hà Nội chưa có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Ông Mark Lundy, Đồng điều tra viên của Dự án EcoFoodSystems, Trưởng nhóm Hành vi và Môi trường Thực phẩm Toàn cầu tại Liên minh Bioversity – CIAT cho biết, dự án sẽ tập trung vào liên kết hệ thống sản xuất sinh thái nông nghiệp bền vững với chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế như người thu nhập thấp, người bị hạn chế khả năng tiếp cận với nguồn cung lương thực, thực phẩm lành mạnh.

“Có một thực tế là nhiều người sống tại khu vực nông thôn vẫn đối mặt nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Nguyên nhân bởi họ bị hạn chế trong khả năng tiếp cận thực phẩm, hoặc khó đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh”, ông Lundy chia sẻ.

Do nông nghiệp Hà Nội có đặc thù là sản xuất chủ yếu tại khu vực đô thị, lượng thực phẩm hàng ngày được nhập về qua nhiều địa phương lân cận. Do đó, Dự án EcoFoodSystems sẽ tập trung phân tích và khuyến khích người nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất sạch, các nhà thu mua có thể cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhà bán lẻ có thể đảm bảo khả năng tiếp cận tốt và khả năng chi trả cho tất cả người tiêu dùng.

Mục tiêu nhằm tăng cường khả năng đáp ứng tại chỗ, tránh tình trạng để người dân ở những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Ba Vì, Phúc Thọ gặp vấn đề trong khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm.

“Công việc này khá tương thích với Kế hoạch hành động quốc gia về hệ thống lương thực thực phẩm mà Việt Nam ban hành năm 2023. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các đối tác quan trọng tại Việt Nam để xem dự án có thể trở thành một minh chứng cho sự chuyển đổi như thế nào”, đại diện CIAT nói tiếp.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, vấn đề mất an ninh lương thực hiện nay đã được mở rộng. Nguy cơ không chỉ đến từ việc người dân không thể đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, mà còn là tình trạng béo phí, tiểu đường, tim mạch… tại các thành phố đông dân như Hà Nội.

Tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho người dân

Đánh giá về khả năng triển khai dự án, ông Charles Spillane, Giám đốc Viện Ryan, Đại học Galway – Ireland, Trưởng Dự án EcoFoodSystems nhấn mạnh: Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng về an ninh lương thực và dinh dưỡng trong những thập kỷ qua.

“Với những khu vực dân số thành thị phát triển nhanh như Hà Nội, nhu cầu được cung cấp lương thực thực phẩm từ vùng nông thôn ngày càng được tăng cao. Đây là nơi nông dân và nông hộ phát triển cuộc sống ổn định dựa vào nông nghiệp và chuỗi giá trị thực phẩm, trong khi đó họ vẫn phải cố gắng giảm thiểu tác động của lương thực thực phẩm lên môi trường và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu từ nguồn thực phẩm mà họ sản xuất”, ông phân tích.

Để có thể phát huy, nhân rộng các chế độ ăn lành mạnh, ông Spillane kêu gọi tất cả các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm tại Hà Nội chung tay giải quyết thách thức chung, đó là làm thế nào để mọi người dân, từ trẻ đến già, từ giàu đến nghèo, đều có thể tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh với giá cả phù hợp. Đồng thời, lương thực thực phẩm trong chuỗi giá trị phải được sản xuất và cung cấp trong điều kiện ít ảnh hưởng nhất tới môi trường.

Các đại biểu chia nhóm thảo luận về nội dung Dự án EcoFoodSystems. 

Các đại biểu chia nhóm thảo luận về nội dung Dự án EcoFoodSystems. 

Theo giáo sư, Dự án EcoFoodSystems sẽ ưu tiên nguồn lực nghiên cứu để các tổ chức đối tác có thể định hướng tốt hơn quá trình chuyển đổi chế độ ăn. Cùng với đó, đảm bảo cho thế hệ hiện tại và tương lai được khỏe mạnh.

Các hoạt động trong khuôn khổ dự án đều tập trung xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa không gây tổn hại tới các nền tảng về kinh tế, xã hội và môi trường. 

“Chúng tôi mong muốn tạo ra kiến thức, bằng chứng, dữ liệu và các công cụ hỗ trợ ra quyết định cho phép các bên liên quan đến hệ thống lương thực phẩm tại Hà Nội chuyển đổi sang chế độ ăn bền vững, lành mạnh và giá cả phù hợp, đặc biệt cho 2 nhóm đối tượng có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng và có chế độ sinh hoạt dễ béo phì và các bệnh tim mạch”, Giám đốc Viện Ryan bày tỏ.

Dự án gồm 4 hợp phần chính, trong đó có nội dung tạo việc làm bền vững, hòa nhập xã hội trong hệ thống lương thực thực phẩm thích ứng với khí hậu cho chuyển đổi chế độ ăn bền vững. Ngoài ra, sẽ phân tích dấu chân môi trường trong lộ trình chuyển đổi này.

Ngoài triển khai tại Hà Nội, dự án còn được thực hiện tại thành phố Cali (Colombia) quy mô hơn 2 triệu người và Addis Ababa (Ethiopia) khoảng 4 triệu dân.

Tại buổi Hội thảo tham vấn kỹ thuật Dự án EcoFoodSystems, các đại biểu đã chia nhóm thảo luận. Chị Dương Thị Thanh, cán bộ nghiên cứu từ Liên minh Bioversity và CIAT, cho biết, nhìn chung các phiên thảo luận đã diễn ra thành công, thu được kết quả như mong đợi của hội thảo.

“Các đối tác tham gia thảo luận đến từ các ngành nghề khác nhau trong hệ thống thực phẩm và có hiểu biết nhất định về hệ thống lương thực thực phẩm. Hướng dẫn thảo luận rõ ràng, bám sát nội dung, cùng phương pháp động não (brainstorming) và xếp hạng (ranking) đã thu hút được sự tham gia và tranh luận sôi nổi trong nhóm”, chị nói.

Thông qua các cuộc thảo luận, các đối tác đã tương tác và hiểu thêm về những nội dung mới trong phiên thảo luận như hệ thống thực phẩm, chế độ ăn bền vững, đối tượng dễ bị tổn thương về dinh dưỡng, dấu chân môi trường, công cụ hỗ trợ ra quyết định.