Uzbekistan mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển dâu tằm tơ


LÂM ĐỒNG Phía Uzbekistan đánh giá ngành dâu tằm tơ Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ và mong muốn hợp tác phát triển giống dâu, giống tằm trong tương lai.

Uzbekistan đánh giá ngành dâu tằm tơ Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ và mong muốn hợp tác phát triển giống dâu, giống tằm trong tương lai. Ảnh: Minh Hậu.

Uzbekistan đánh giá ngành dâu tằm tơ Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ và mong muốn hợp tác phát triển giống dâu, giống tằm trong tương lai. Ảnh: Minh Hậu.

Ngày 25/1, tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã làm việc với đoàn công tác Uzbekistan về chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Uzbekistan trong phát triển ngành dâu tằm tơ.

Tại buổi làm việc, ông Ikboljon Ergashev, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Công nghiệp tơ lụa và len Uzbekistan cho biết, Việt Nam có sự phát triển về ngành dâu tằm tơ. Uzbekistan mong muốn tăng cường hợp tác, phát triển trong tương lai với Việt Nam về cả về giống dâu và giống tằm.

Ông Ikboljon Ergashev cho hay, Việt Nam và Uzbekistan có quan hệ hợp tác thương mại dâu tằm tơ từ lâu. Trong quá khứ, Uzbekistan từng mua giống tằm từ Việt Nam và đến nay, một đơn vị nghiên cứu tại quốc gia này vẫn còn lưu giữ được nguồn giống này.

“Chúng tôi mong muốn 2 quốc gia tiếp tục có sự trao đổi, phát triển. Trong chuyến công tác này, chúng tôi đã thăm các công ty sản xuất dâu tằm tơ ở Việt Nam và nhận thấy cơ hội để hợp tác phát triển. Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác để tăng sản lượng, trao đổi hàng hoá giữa hai bên. Tháng 6 năm nay, chúng tôi tổ chức triển lãm sản phẩm từ dâu tằm với giải thưởng trên 2 triệu USD và đã mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm này”, ông Ikboljon Ergas nói.

Về vấn đề phát triển dâu tằm tơ của Việt Nam, TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, dâu tằm tơ là ngành nghề truyền thống của Việt Nam.

“Hiện nay, Việt Nam đã chủ động được giống dâu năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật nuôi tằm con tập trung được áp dụng trên toàn quốc. Tại tỉnh Lâm Đồng hiện có 25 nhà máy ươm tơ tự động, 10 nhà máy se và dệt. Sản lượng tơ chất lượng cao có đến 80% tập trung ở Lâm Đồng”, TS Lê Quang Tú nói và cho biết thêm, hiện nay, vấn đề khó khăn nhất trong lĩnh vực phát triển dâu tằm tơ của Việt Nam là nguồn trứng giống phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nhu cầu trứng giống của Việt Nam từ 400.000 – 500.000 hộp/năm và nguồn giống trong nước chỉ đáp ứng 10%.

Về vấn đề trứng giống tằm, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho hay, hiện nay, việc phát triển giống tằm của Việt Nam có sự hạn chế và mong muốn hợp tác với Uzbekistan ở lĩnh vực này.

Chia sẻ về vấn đề phát triển giống tằm, ông Ikboljon Ergashev, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Công nghiệp tơ lụa và len Uzbekistan cho biết: “Sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ chia sẻ với các đơn vị của Việt Nam bản kế hoạch phát triển giống tằm và giống dâu để tiến đến nghiên cứu, phát triển, trao đổi giống”. Cũng theo ông Ikboljon Ergashev, Uzbekistan hiện có 2 giống tằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó bao gồm giống từ Trung Quốc và giống phối lại từ Trung Quốc.

Ông Ikboljon Ergashev chia sẻ, hiện nay người Trung Quốc đã sang Uzbekistan để phối hợp sản xuất giống tằm và mua lại sản phẩm. Do vậy, Uzbekistan mong muốn Việt Nam sang Uzbekistan để cùng sản xuất giống tằm và phát triển về Việt Nam. Cũng theo ông Ikboljon Ergashev, Uzbekistan hiện có 15 công ty hoạt động trong lĩnh vực giống tằm và sắp tới sẽ có thêm 5 công ty khác tham gia vào lĩnh vực này.