Diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh chiếm 1,4%


Quảng Ninh Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, tính đến tháng 12/2023, diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ 1,4% tổng diện tích nuôi.

Tinh Quảng Ninh có 7.500ha nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tinh Quảng Ninh có 7.500ha nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang phát triển 2 đối tượng chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu ở các địa phương Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên.

Đây là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.

Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn có diện tích khoảng 100ha (chiếm 1,3% diện tích nuôi tôm); mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, mô hình nuôi tôm trong ao đất khoảng 150ha (chiếm 2% diện tích nuôi tôm); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm.

Những mô hình này đang cho năng suất 70-80 tấn/ha/vụ, đặc biệt có mô hình đạt trên 100 tấn/ha/vụ, lãi suất đạt 1-2 tỷ đồng/ha/vụ.

Bên cạnh đó, hiện nay một số cơ sở nuôi tôm tại TP Móng Cái đã áp dụng mô hình CPF-COMBINE, quy trình sản xuất được triển khai hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết, được chia thành 4 giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong ao, hệ thống xử lý chất thải biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas sau khi xử lý có thể được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, năng suất nuôi đạt được 10-12kg/m3.

Việc chuyển dịch từ phương thức quảng canh sang thâm canh đã giúp diện tích tôm công nghiệp toàn tỉnh đạt 4.700ha, chiếm trên 62% diện tích nuôi. Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, sản lượng tôm đã tăng mạnh qua các năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm đạt gần 19.000 tấn. Có thể nói, con tôm tiếp tục là một trong những đối tượng mang lại thu nhập cao, tương đối ổn định cho các hộ nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y xét nghiệm mẫu dịch bệnh trên tôm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y xét nghiệm mẫu dịch bệnh trên tôm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản đã đạt được một số kết quả. Đặc biệt, diện tích thủy sản bị nhiễm bệnh đối với tôm nuôi là 109,85ha chiếm tỷ lệ 1,4% so tổng diện tích tôm nuôi, đảm bảo giới hạn mục tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra (dưới 5%). Diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh chỉ bằng 72% so với năm 2022.

Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, cho biết, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp tại các địa phương được quan tâm. Trong đó, việc phòng bệnh chủ động và phản ánh kịp thời diễn biến dịch bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi thủy sản (đặc biệt trên tôm nuôi) tại một số cơ sở, hộ nuôi được nâng lên rõ rệt. 

Cũng theo ông Oanh, để hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm, cần nâng cao kiến thức chuyên môn về công tác quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phòng, thu mẫu và chẩn đoán bệnh thủy sản cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thú y thủy sản tại cơ sở và người dân nuôi trồng thủy sản thông qua các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, tổng kết.

Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời nắm thông tin diễn biến tình hình nuôi trồng thủy sản, công tác phòng chống và diễn biến tình hình dịch bệnh tại các địa phương; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trong công tác phòng chống dịch, triển khai thực hiện báo cáo số liệu trên hệ thống VAHIS.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn các cấp trong việc thống kê, cập nhật số liệu về nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh để có định hướng chỉ đạo, thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp.