Lợi ích nhân 3, lợi nhuận nhân đôi


THÁI NGUYÊN Sạch và đẹp, đó là lý do mà vùng chè Tân cương (TP Thái Nguyên) trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.

Trồng chè hướng hữu cơ: Tất cả cùng khỏe

Nhiều hợp tác xã (HTX) trồng và chế biến chè tại xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) đã chuyển hình thức canh tác sang hướng hữu cơ từ nhiều năm nay, thành quả thu được lớn hơn mong đợi. Các nhà vườn khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn của năm đầu tiên bị giảm năng suất và doanh thu (thậm chí thất thu 6 tháng đầu tiên), đến năm thứ 2 đã khẳng định rằng: Sản xuất chè hữu cơ – lợi ích nhân 3 và lợi nhuận nhân 2.

Vườn chè canh tác theo hướng hữu cơ góp phần bảo vệ sức khỏe của chính người sản xuất, người tiêu dùng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vườn chè canh tác theo hướng hữu cơ góp phần bảo vệ sức khỏe của chính người sản xuất, người tiêu dùng. Ảnh: Toán Nguyễn.

HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên ở xóm Thái Sơn 2, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) là một trong những đơn vị chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất theo hướng hữu cơ sớm nhất nhất ở tỉnh Thái Nguyên.

Do nhận thức được nguy hiểm từ chất hóa học gieo rắc cho nhiều thế hệ nên tất cả các thành viên HTX đã bàn bạc, tìm hướng thay đổi hình thức sản xuất an toàn với con người, thân thiện với môi trường. Đó cũng chính là lý do mà trước năm 2010, HTX chè Tiến Yên bắt đầu canh tác theo hướng hữu cơ. Đến nay, đơn vị này có diện tích trồng chè hơn 10ha, tất cả đã được được chứng nhận VietGAP và đang trong quá trình làm quy trình để được công nhận là sản phẩm chè hữu cơ.

Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên chia sẻ: “Trước đây, việc canh tác chè theo hình thức thông thường, tất cả từ phun thuốc trừ sâu đến bón phân đều là hóa học đã làm cho các loài thiên địch, vi sinh vật như giun, dế, nhện… không sống được. Trong khi đó, đất đai bị chai cứng, nguồn nước ô nhiễm dẫn tới sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, nhiều loại bệnh ngoài da cho tới bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo xuất hiện. Đó cũng là lý do mà tập thể HTX chúng tôi đồng thuận để chuyển đổi sang xuất theo hướng hữu cơ, quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu”.

Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên bên vùng chè VietGAP và đang tiến tới đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên bên vùng chè VietGAP và đang tiến tới đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Đại phấn khởi nói tiếp: “Thành quả đến ngày hôm nay, người dân chúng tôi sinh sống giữa vùng chè Tân Cương trong lành, không còn mùi khó chịu của thuốc trừ sâu hóa học bay khắp nơi như trước. Nguồn nước giờ cũng cơ bản là sạch, an toàn và nước giếng vẫn là nguồn nước sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của người dân. Người dân trong xóm đã từ lâu rồi không có người bị bệnh ung thư hay bệnh hiểm nghèo gì liên quan tới việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước”.

Giá cao hơn từ 2 – 7 lần

HTX Chè trung du Tân Cương ở xóm Thái Sơn 2, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) bắt đầu chuyển dịch sang canh tác theo hướng hữu cơ từ năm 2014 – 2015. Thời gian đầu thực hiện vô cùng khó khăn, vì mất khoảng 6 tháng sản lượng chè giảm sâu do cây chè bị thiếu chất dinh dưỡng. Một vấn đề liên quan khác khiến bà con nản lòng là tình trạng sâu bệnh hoành hành với mật độ cao. Những vấn đề nói trên làm cho người trồng chè bị thất thu, thậm chí không được thu hoạch, nhiều xã viên chán nản và muốn quay lại hình thức canh tác cũ.

Tuy nhiên, lãnh đạo HTX Chè trung du Tân Cương đã động viên bà con kiên trì, vì các chế phẩm hữu cơ như vỏ đỗ, vỏ cây, mùn cưa, phân xanh, phân chuồng, lạc dại, rơm rạ… cần có thời gian để phân hủy, cải thiện dần độ màu mỡ cho đất và hệ sinh vật trong đất. Bà con không dùng thuốc trừ sâu hóa học độc hại nữa, mà thay vào đó là các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thảo mộc. Sau một thời gian, những loài thiên địch có lợi phát triển, cũng là lúc sâu bệnh dần được giải quyết. Lớp vỏ cây, vỏ đỗ, mùn cưa tạo thành lớp mùn dày giữ ẩm cho cây, chất dinh dưỡng tự nhiên được thẩm thấu trong đất giúp cho mầm chè mọc tươi tốt hơn, mập hơn.

Chè được canh tác theo hướng hữu cơ từ năm thứ 2 trở đi dinh dưỡng và hệ sinh vật đất đã ổn định, giúp người trồng giảm chi phí canh tác, cây chè năng suất cao hơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chè được canh tác theo hướng hữu cơ từ năm thứ 2 trở đi dinh dưỡng và hệ sinh vật đất đã ổn định, giúp người trồng giảm chi phí canh tác, cây chè năng suất cao hơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX Chè trung du Tân Cương phấn khởi cho biết: Từ năm 2017 đến nay, có 100% diện tích đất trồng chè của HTX đã chuyển hình thức canh tác theo hướng hữu cơ. Sau hơn 6 năm triển khai trồng chè theo hướng hữu cơ, thành quả đem lại là rõ rệt, mang lại nhiều lợi ích cho người trồng.

Chi phí chăm sóc đã giảm đáng kể so với dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học như trước. Chất đất đã không còn bị chai cứng nữa, mà đã trở nên tơi xốp, dễ canh tác, đỡ tốn nước tưới do cây được giữ ẩm bới lớp mùn dày bám trên mặt đất. Điều đương nhiên là chất lượng sản phẩm đã được nâng cao hơn rất nhiều, người dùng an tâm sử dụng với tâm thế trà sạch.

Các sản phẩm chè sản xuất theo hướng hữu cơ được người tiêu dùng đánh giá cao, người trực tiếp sử dụng an tâm, khách hàng tin tưởng và từ đó chè Tân Cương có vị thế vững chắc trên thị trường. Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, giá các loại trà hữu cơ cao hơn trà thường từ 2,2 đến hơn 7 lần, tạo được thương hiệu trên thị trường. Cụ thể, trà thường rẻ nhất là 120.000 đồng/kg thì trà hữu cơ từ 250.000 đồng/kg; trà thường loại đắt nhất (trà định, tôm nõn…) khoảng 700.000 – 1.500.000 đồng/kg thì trà hữu cơ có giá từ 3.500.000 – trên 10.000.000 đồng/kg.

Du khách nước ngoài đến tham quan cơ sở sản xuất chè. Ảnh: Toán Nguyễn.

Du khách nước ngoài đến tham quan cơ sở sản xuất chè. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phát triển du lịch cộng đồng

Những năm qua, những vườn chè của các HTX có thương hiệu như HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX Chè trung du Tân Cương, HTX Chè Hảo Đạt, HTX Hương Vân Trà, HTX Tâm trà Thái… đón tiếp rất nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm. Du khách được sống trong bầu không khí trong lành của những đồi chè xanh bạt ngàn, được tham gia hái chè, sao chè, đóng gói chè và mua chè trực tiếp từ các cơ sở mang về.

Ông Võ Tiến Quân, một du khách tới từ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Tôi là dân ghiền chè, nên có dịp ra Bắc, đến Thái Nguyên chơi là cả nhà 5 người đã lựa chọn đi vùng chè Tân Cương trải nghiệm. Tôi tới cơ sở này (HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên) thấy bà con không dùng phân hóa học, không phun thuốc bảo về thực vật, không khí rất trong lành… nên cảm thấy sản phẩm trà ở đây rất an tâm. Vì vậy tôi dự định thời gian tới sẽ sử dụng sản phẩm trà của đơn vị này để phục vụ khách đến ăn uống tại chuỗi nhà hàng gia đình ở Bình Dương, Sài Gòn”.

Bà Aurélie, một du khách tới từ Vương quốc Hà Lan nói: “Tôi làm việc ở Việt Nam được hơn 3 năm, ngày ngày thấy mọi người uống trà và nói là trà Thái Nguyên. Lần này công ty tôi có tổ chức đi trải nghiệm tại Thái Nguyên nên tôi rất hào hức, đến đây rồi thấy thật tuyệt vời, cảnh quan đẹp và không khí trong lành. Tuyệt với nhất là phần chế biến, các cơ sở vẫn chế biến thủ công là chính, máy móc chỉ là hỗ trợ, tạo nên hương chè rất thơm, ngon”.

Du khách thích thú được trải nghiệm làm chè tại vùng chè Tân Cương. Ảnh: Toán Nguyễn.

Du khách thích thú được trải nghiệm làm chè tại vùng chè Tân Cương. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến trải nghiệm vùng chè Tân Cương, từ tháng 4/2021, UBND xã Tân Cương theo chỉ đạo của TP Thái Nguyên đã phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng như địa phương tiến hành khảo sát các hộ kinh doanh chè, nhà hàng … có tiềm năng đất đai, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm kinh doanh và có tầm nhìn để xây dựng chuỗi dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng.

Tháng 11/2022, UBND xã Tân Cương đã tập hợp được các HTX sản xuất chè có quy mô lớn trên địa bàn và thành lập được Liên hiệp HTX Du lịch cộng đồng Tân Cương, đầu mối là HTX Chè Hảo Đạt. Năm 2023, sẽ tiếp tục gắn kết các đơn vị tham gia mô hình chè hữu cơ, hỗ trợ cấp chứng nhận đạt chuẩn canh tác hữu cơ.

Khách du lịch đến với vùng chè Tân Cương, Thái Nguyên là để trải nghiệm cảnh quan đồi chè, quy trình sản xuất truyền thống an toàn và tạo những sản phẩm chất lượng cao. Nhưng chắc chắn họ đến xem vùng chè sạch, canh tác theo hướng hữu cơ, chứ không khách nào đến xem trồng chè bằng phân bón và phun thuốc trừ sâu hóa học độc hại cả.

Tuy nhiên để phát triển đồng bộ về du lịch cộng đồng ở vùng chè Tân Cường, đến nay địa phương vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, rõ ràng. Do vậy người dân không thể xây được homestay, không đào được ao, không trồng thêm được chè… và chưa tạo được cảnh quan mới.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, TP Thái Nguyên.