Tối mùng Một, người dân ‘xí bùm’ những chậu cúc ‘mồ côi’ về chơi Tết


BÌNH ĐỊNH Qua giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 mà cúc còn chật bãi, nhiều người dân phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) ‘xí bùm’ chở về chơi Tết.

Chiều muộn 30 Tết Giáp Thìn 2024, lang thang qua các tuyến đường Đào Tấn, Phạm Hồng Thái, Hồ Sĩ Tạo và 30/3 thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), chúng tôi thấy hoa cúc bán Tết còn để kín 2 bên đường.

Những chậu hoa cúc tươi tắn bị bỏ 'mồ côi', anh Bình, nhân viên bảo vệ nhà hàng tiệc cưới Hoàng Vũ chở về kín sân. Ảnh: V.Đ.T.

Những chậu hoa cúc tươi tắn bị bỏ “mồ côi”, anh Bình, nhân viên bảo vệ nhà hàng tiệc cưới Hoàng Vũ chở về kín sân. Ảnh: V.Đ.T.

Cả một góc phố huyên náo tiếng nói của kẻ bán người mua hoa Tết. Huyên náo thật, nhưng là sự huyên náo buồn. Bởi, nổi bật lên nền âm thanh hỗn độn ấy là tiếng mời chào của những người bán hoa. “Chú mua đi chú, chậu 50cm đáng lẽ con bán 1 chậu 500 ngàn mà giờ chỉ bán 200 ngàn, mua dùm con đi chú!”, lời mời chào của cô gái trẻ nghe thật khẩn thiết. “Anh mua hoa cúc về chơi Tết đi anh, 2 chậu 300 ngàn nè anh!”, chàng thanh niên đứng bên cạnh mời chào những chậu cúc 50cm hoa nở rực rỡ.

Anh Nguyễn Văn Bình ở phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) năm nay trồng 250 chậu cúc, đến chiều 30 Tết bán chỉ còn 10 chậu, nhưng nét mặt anh Bình không biểu hiện chút niềm vui nào, mà buồn rười rượi. Bởi năm nay cúc của anh Bình chỉ được nửa giá so với giá thành, kể như vụ hoa Tết này anh Bình “phủi tay”.

Người hàng xóm của anh Bình ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng có 5 chậu cúc chơi Tết mà không phải mất tiền. Ảnh: V.Đ.T.

Người hàng xóm của anh Bình ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng có 5 chậu cúc chơi Tết mà không phải mất tiền. Ảnh: V.Đ.T.

Nhưng được như anh Bình đã là may mắn, có người mua 700 chậu cúc pha lê về bán nhưng đến chiều 30 Tết vẫn còn nguyên xi, dù cúc có kích cỡ chậu 60cm đã hạ giá chỉ còn 200 ngàn đồng/chậu nhưng cũng chẳng ai mua.

Anh Trần Văn Cảnh ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) mua 500 chậu cúc từ thị xã An Khê (Gia Lai) về bán, đến chiều 30 Tết mà mới chỉ bán được 200 chậu, còn 300 chậu giờ hạ giá chỉ còn nửa tiền vốn mà vẫn không ai mua. Phong, con trai anh Cảnh theo cha mua 300 chậu cúc từ An Khê về bán, đến chiều 30 Tết vẫn còn 200 chậu, Phong thất thần vì Tết này cầm chắc mất đứt 74 triệu đồng tiền vốn trong 200 chậu cúc chưa bán được.

Đến sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên đường vào chợ cúc ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) vẫn còn nhiều chậu cúc 'mồ côi' bị bỏ mặc giữa đường. Ảnh: V.Đ.T.

Đến sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên đường vào chợ cúc ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) vẫn còn nhiều chậu cúc “mồ côi” bị bỏ mặc giữa đường. Ảnh: V.Đ.T.

Càng về tối, chợ hoa cúc vắng dần khách, dạo một vòng quanh chợ cúc, chúng tôi được những 50 người bán hoa mời chào, những lời mời giọng khản dần trong vô vọng. Qua giao thừa, sắc vàng của chợ hoa cúc phường Bình Định (thị xã An Nhơn) đã chìm trong bóng tối mà nhiều người bán vẫn chưa về nhà, ráng bám trụ để vớt vát chút vốn liếng. Lúc này, chậu cúc 80cm bán chỉ còn 120.000đ/chậu, trong khi bình thường chậu cúc cỡ này có giá đến 1,6 triệu đồng/chậu. Nhiều người nhà có xe ba gác máy chở mỗi lần 5 chậu cúc bán dạo chỉ mấy chục ngàn đồng 1 chậu.

Bằng mọi cách bán đổ bán tháo nhưng bước sang ngày mùng một Tết, bãi cúc phường Bình Định vẫn còn ê hề, cúc còn, nhưng người bán đã về sạch, để lại những chậu cúc “mồ côi” khoe rực sắc vàng nhưng nhìn rất “tủi thân”. Anh Bình, nhân viên bảo vệ của nhà hàng tiệc cưới Hoàng Vũ nằm sát cạnh chợ hoa cúc thấy tiếc những chậu hoa cúc đẹp nên lần lượt dùng xe máy chở về sân nhà hàng 10 chậu. Chiều mùng 1 Tết, sau ca trực, anh thuê xe ba gác máy chở về 5 chậu để trong sân nhà, rồi mách với người hàng xóm xuống sân nhà hàng Hoàng Vũ chở 5 chậu còn lại về chơi Tết. Không mất đồng bạc nào, nhưng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sân nhà anh Bình rực vàng sắc hoa, nhà hàng xóm cũng vậy.

Trước những căn nhà không người ở, những người bán cúc tận dụng khoảng trống để bỏ lại những chậu cúc 'mồ côi'. Ảnh: V.Đ.T.

Trước những căn nhà không người ở, những người bán cúc tận dụng khoảng trống để bỏ lại những chậu cúc “mồ côi”. Ảnh: V.Đ.T.

Theo chia sẻ của những người bán hoa cúc Tết, năm nay, hoa cúc ế ẩm do “cung vượt cầu”, khắp nơi trồng cúc với số lượng lớn. Thêm vào đó, nhiều nhà vườn bị thương lái bỏ cọc, người trồng phải đưa ra chợ bán lẻ, nên chợ cúc càng ê hề. Trong khi sức mua của người tiêu dùng năm nay yếu hẳn do làm ăn thất bát nên chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện mua hoa chơi Tết.

Đến sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại chợ cúc phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) và dọc con mương đi qua nơi đây vẫn còn hàng trăm chậu cúc “mồ côi” bị bỏ mặc giữa đường, nằm chơ vơ trong cái lạnh se se.

Cô gái bán cúc (bìa trái) mời chào khách mua hoa cúc chiều 30 Tết. Ảnh: V.Đ.T.

Cô gái bán cúc (bìa trái) mời chào khách mua hoa cúc chiều 30 Tết. Ảnh: V.Đ.T.

Hỏi anh Phong, người bán cúc năm nay bỏ “mồ côi” 200 chậu cúc pha lê cỡ chậu 50cm mua tại thị xã An Khê (Gia Lai) với giá vốn 370 ngàn đồng/chậu, anh bảo vị chi mất trắng 74 triệu đồng. “Sao anh không chặt bỏ hết các cành cúc đi để người tiêu dùng khỏi lấy về chơi. Để nguyên như thế này người dân ăn quen năm sau lại không mua, để cho cúc ế, người bán tiếp tục bỏ và họ lấy không về chơi Tết, không mất tiền mà nhà vẫn có cúc chơi?”, tôi hỏi.

“Qua giao thừa anh em bán cúc chúng tôi cũng có ý định chặt hết các cành cúc để không tạo tiền lệ cho người tiêu dùng “nhìn chừng” không mua, đợi người bán bỏ để lấy về chơi khỏi tốn tiền. Năm nay người lỗ ít nhất cũng dăm bảy chục triệu đồng, người lỗ nhiều cũng vài trăm triệu đồng, bây giờ chặt cành xả rác mà đã qua giao thừa không ai dọn, sau này chính quyền địa phương phạt nữa thì gặp họa liên hoàn”, anh Phong nói buồn.